Đây cũng là dịp để các thế hệ hôm nay thể hiện truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Về phía giáo hội có Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT HĐTS TƯGHPGVN; Thượng toạ Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS TƯ GHPGVN; TT. Thích Thanh Tuấn – Uỷ Viên TT HĐTS, Phó chánh VP Trung ương GHPGVN, Đại Đức Thích Nguyên Chính – Uỷ Viên HĐTS, Phó chánh VP Trung ương GHPGVN, Thượng toạ Thích Nguyên Toàn – UV HĐTS, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Hà Giang; Đại đức Thích Thanh Phúc – UV HĐTS, Phó Ban thường trực BTS Phật giáo tỉnh Hà Giang cùng chư vị thành viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Hà Giang; chư tôn giáo phẩm đại diện Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành, huyện; chư Tăng Ni trụ trì các chùa và đông đảo Phật tử, nhân dân trong và ngoài tỉnh…
Về phía lãnh đạo chính quyền có: Thiếu tướng, giáo sư, nhà giáo Nhân dân Trương Gia Long – Nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục chính trị Bộ Công An; Ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang; Ông Bùi Văn Trung; Phạm Văn Học – đồng Đại thí chủ thiết lễ cúng dàng Đại Lễ.
khai mạc Đại Lễ Thượng toạ Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS TƯ GHPGVN thay mặt cho Trung ương GHPG đọc lời tưởng niệm đến chư anh linh các AHLS. Thượng toạ nhấn mạnh, các anh đã mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ, nhưng công trạng của các anh, Tổ quốc và nhân dân ngành đời đời ghi tạc. Các anh sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, trong trang sử hào hùng của đất nước Việt Nam.
Trong trận chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt nhất, kéo dài nhất và chịu tổn thất nặng nề nhất. Khoảng hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hơn 9.000 người bị thương, hiện còn gần 2.000 hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy và quy tập, hàng ngàn hecta đồi núi vẫn còn sót lại bom mìn, vật nổ. Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị xuyên hiện có 1.853 phần mộ và 1 mộ tập thể, 316 phần mộ liệt sĩ chưa rõ thông tin.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, trong những năm qua, Trung ương GHPGVN cùng chính quyền các cấp luôn dành tình cảm, thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức nhiều hoạt động, việc làm ý nghĩa như: Xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn… Đây là những hoạt động thiết thực góp phần cùng toàn xã hội chăm lo, đền ơn đáp nghĩa, qua đó giáo dục thế hệ trẻ biết sống nhân ái, biết trân quý những giá trị cao đẹp của lịch sử, để từ đó phấn đấu học tập, rèn luyện xứng đáng với truyền thống vẻ vang của các lớp cha anh đi trước.
Tại lễ cầu siêu, Chư tôn Đức Lãnh đạo giáo hội cùng đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng hoa, tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Chư tôn đức Tăng – Ni đã thực hiện nghi lễ cúng Phật và khai đàn tiến hành trọng thể các nghi thức cầu siêu hương linh các anh hùng liệt sĩ, cầu quốc thái dân an…
Lễ cầu siêu được tổ chức nhằm tri ân, tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đồng bào tử nạn qua các cuộc chiến tranh của dân tộc và cầu quốc thái dân an. Lễ cầu siêu là dịp để các thế hệ hôm nay thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, biết ơn những công lao hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc.
Sau đây là một số hình ảnh của Đại Lễ:
Tin, ảnh: Vũ Dũng – Đỗ Minh (PGĐS)