Đặc trưng và bản sắc nghi lễ Phật giáo trong hội nhập và phát triển ở Việt Nam.
Nghi lễ Phật giáo là hệ thống những quy định, phong tục và các điển chế theo các truyền thống Phật giáo. Hiện nay, trong hệ thống nghi lễ Phật giáo Việt Nam dựa theo tạng truyền có các truyền thống Bắc truyền, Nam truyền và Mật truyền, dựa theo tông truyền có hệ phái Bắc tông, hệ phái Nam tông và hệ phái Khất sĩ. Mỗi truyền thống Phật giáo ngoài những nghi lễ do Ban Nghi lễ Trung ương qui định, còn mang đặc thù, bản sắc riêng thể hiện được bản sắc của mình trong tổng thể hài hoà và thống nhất dưới ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong lịch sử, hiện tại, các truyền thống Phật giáo đó đã làm nên bức tranh đa màu sắc và bản tính độc đáo cho nghi lễ Phật giáo nước nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa và phát triển, Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng luôn tích cực đổi mới trên mọi mặt để đảm bảo tính thống nhất về nghi lễ trong các truyền thống Phật giáo theo qui định chung, hoà nhập nhưng không hoà tan, giữ gìn bản sắc và dấu ấn sắc màu đặc trưng của các hệ phái, tông phái hoặc các Thiền tự, sơn môn Phật giáo.
Khi nói về nghi lễ Phật giáo, trong Hiến Chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 cũng chỉ rõ nguyên tắc thống nhất của các truyền thống và hệ phái Phật giáo là: “Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tuy nhiên các truyền thống hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp đều được tôn trọng, duy trì”. Và trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ I, Chương trình hoạt động nhiệm kỳ II của Hội đồng Trị sự tại Đại hội Đại biểu kỳ II Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiếp tục nhấn mạnh: “Mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là điều hoà hợp nhất các hệ phái Phật giáo Việt Nam cả nước để hộ trì và hoằng dương Phật pháp, phục vụ dân tộc và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần hoà bình an lạc cho thế giới”.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để tạo nên tính thống nhất trong đa dạng bản sắc và đặc trưng của từng truyền thống, sơn môn, hệ phái về mặt nghi lễ Phật giáo, căn cứ vào nghiên cứu lịch sử hình thành, các điển chế, điển tích của các ngày lễ và lễ tục Phật giáo từng vùng, miền, Nghi lễ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiều năm qua dưới sự hướng dẫn của Ban Nghi lễ Trung ương, Hội đồng Trị sự đã ra nghị quyết tổ chức nhiều ngày lễ thống nhất toàn Giáo hội trong cả nước, tiêu biểu là Lễ Phật đản. Ngày lễ Phật đản được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch hằng năm, những ngày lễ lớn khác như Phật Thành đạo, hay Vu Lan cũng được hướng dẫn tổ chức thống nhất về thời gian và nội dung hành lễ.
Các Nghi lễ quan trọng được tổ chức định kỳ hằng năm như Giới đàn, Đại giới đàn đều căn cứ vào Luật tạng và quy định của Giáo hội, được sự chấp thuận của chính quyền và Giáo hội.
Ban Nghi lễ Trung ương, Hội đồng Trụ sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các nhiệm kỳ đều ra Quyết định ban hành nội dung phù hợp trên cơ sở có tính kế thừa, tiếp nối truyền thống, biến đổi và hội nhập, đảm bảo những yêu cầu mới của xã hội trong thời đại mới. Trong nội quy Ban Nghi lễ Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022), điều 3 và điều 4 có chỉ rõ:
“Điều 3: Ban Nghi Lễ có chức năng, nhiệm vụ là tạo sự thống nhất lễ nghi vào các ngày lễ trọng của Phật giáo, các hoạt động chuyên ngành Nghi lễ đúng Chánh pháp, đúng truyền thống Phật giáo Việt Nam, các khoa nghi được thực hành bằng ngôn ngữ thuần Việt; xây dựng những khóa lễ đơn giản giúp cho Tăng Ni, tín đồ Phật tử dễ thực hành; đặc biệt là phù hợp lễ nghi đặc thù của từng vùng, miền, Hệ phái.
Điều 4: Các lễ nghi mang tính biệt truyền, các Hệ phái được sử dụng nghi lễ của Hệ phái và ngôn ngữ của dân tộc đó. Đối với những nghi lễ có sự tham dự của nhiều Hệ phái, nhiều thành phần, ngôn ngữ được sử dụng phải bằng ngôn ngữ thuần Việt”.
Như vậy từ trong Hiến chương Giáo hội đến Quy định của Ban Nghi lễ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đều cho thấy tinh thần thống nhất chung được quán triệt từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động nghi lễ đều đề cao sự hoà hợp, đúng Chính pháp và đúng truyền thống Phật giáo Việt Nam. Các khoa nghi cũng được chú trọng tiến hành bằng ngôn ngữ thuần Việt nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Đặc biệt, trong các quy định này còn chỉ rõ sự tôn trọng những lễ nghi của từng vùng miền, hệ phái, các nghi lễ mang tính biệt truyền và nghi lễ được sử dụng theo ngôn ngữ của dân tộc đối với Phật giáo tại các vùng đồng bào dân tộc….
Đặc thù nghi lễ Phật giáo mỗi vùng miền và tuỳ theo từng sơn môn, truyền thống Phật giáo bên cạnh tính thống nhất chung theo đúng quy định của Giáo hội cũng như Ban Nghi lễ Trung ương, còn có những nét riêng, cần được bảo tồn và phát huy tính bản sắc, nhằm tạo nên một khung cảnh đa dạng và những mảng màu văn hoá nghi lễ Phật giáo độc đáo cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đối với nghi lễ Phật giáo theo sơn môn, pháp pháp là những nghi thức được truyền thừa theo từng sơn môn, chốn tổ, tổ chức lối sống, sinh hoạt, tu tập và truyền thống Phật giáo được các Tổ để lại qua nhiều thế hệ, nối tiếp, kế thừa và phát triển. Có những sơn môn lớn, những chốn tổ từ bao đời nay vẫn quy tụ và lan toả những giá trị văn hoá, tư tưởng, Thiền phong và nếp sinh hoạt, tu tập, đường hướng tu tập của các Tổ từ thời khởi dựng.
Đối với nghi lễ Phật giáo theo hệ phái, tuỳ từng hệ phái như Bắc tông, Nam tông (truyền thống nghi lễ Nam tông Kinh và Nam tông Khmer); Khất sĩ, ngoài những nghi lễ chung đều có mảng màu sắc văn hoá nghi lễ riêng, đặc thù. Ví dụ trong truyền thống Nam tông Khmer có nghi lễ gắn liền với đời sống tín ngưỡng và lễ tục của người Khmer. “Các nghi lễ mang tính trang trọng của Phật giáo Nam tông Khmer như: Phật đản, nhập hạ, ra hạ, dâng y, thọ giới, xuất gia, thọ đầu đà … Mỗi nghi thức nghi lễ đều mang ý nghĩa và tính chất khác nhau, tính truyền thống dân tộc vẫn gìn giữ và lưu truyền từ xưa đến nay. Ngoài ra các nghi thức lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer đều thể hiện theo nghi thức của đạo Phật như tết, lễ cúng trăng, cúng ông bà, đua ghe ngo … Nói chúng mọi nghi thức hội, lễ của đồng bào dân tộc Khmer đều có chư Tăng, chùa chiền hiện diện. Các nghi thức trong hội, lễ thường gắn liền với truyền thống Phật giáo nên đồng bào dân tộc Khmer luôn giữ gìn và truyền tụng cho con cháu như lễ đắp núi, đua ghe ngo, cúng trăng … Đây là một vài nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer”. Phật giáo Khất sĩ lại dựa giáo huấn từ Đức Tổ sư Minh Đăng Quang mà có những quy định về nghi lễ từ lễ đường, lễ phục, lễ tụng, lễ khí đến các lễ nghi: Trụ xứ của Khất sĩ được gọi là Tịnh Xá; lễ phục của chư Tôn đức Tăng Ni và lễ phục của cư sĩ Phật tử tại gia theo Khất sĩ được quy định cụ thể như: Đối với chư Tôn đức Tăng Ni, lễ phục của người xuất gia là tam y, tuân thủ tam y. Tam y của Khất sĩ là y thượng, y hạ và y trung, dựa trên qui định của Tứ y pháp: Lễ Phục của Khất sĩ là sự kết hợp màu truyền thống của Phật giáo Bắc truyền cùng với truyền thống hoại sắc y ca-sa của Phật giáo Nam truyền, có chủ trương đi khất thực. Phật giáo Bắc tông, do có quan niệm, ngoài thờ Phật còn có các vị bồ tát, các thần linh cần được sự hỗ trợ, nên nghi lễ trong Phật giáo Bắc tông có lễ cúng dành cho các vị bồ tát, cho những oan hồn uổng tử, không có thân nhân cúng bái. Mỗi chiều từ 16 giờ đến 17 giờ mỗi chùa theo hệ phái Bắc tông đều có buổi lễ cúng Môn Sơn thí thực dành cho cho những người này. Trong chùa còn có các nghi lễ như lễ Chúc tán (ca ngợi Phật và các bồ tát), lễ Bố tát (đọc giới luật cho những người thọ giới nghe), lễ Tự tứ (kiểm điểm trước tăng chúng)…
Theo truyền thống tông phái, đối với Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông, những nghi lễ quy định của Phật giáo của được cụ thể hoá và khác biệt.
- Thiền tông gắn với các nghi lễ, nghi thức dựa vào Thanh Quy mà thực hành và tu tập theo những quy định chặt chẽ về Giới luật. Đồng thời phải tuân theo quy củ của Thiền thất. Thiền Tông lấy tôn chỉ: “Chỉ thẳng lòng người, thấy tánh thành Phật” làm tông.
- Tịnh độ tông: chú trọng và qui định về việc tụng niệm hàng ngày, niệm Phật cầu siêu và hạnh vãng sinh Tịnh độ, công phụ Tịnh độ tại gia…. Tịnh Độ Tông lấy tôn chỉ: “Một đời vãng sanh, được bất thối chuyển” làm tông.
- Mật tông: chú trọng đến những qui định nghi lễ và nghi thức gắn với hệ thống pháp khí và hoả tịnh. Mật Tông lấy tôn chỉ: “Tam mật tương ưng, tức thân thành Phật” làm tông… Tam mật là: Thân mật – Khẩu mật – Ý mật.
Ngoài ra, trong nghi lễ của Hoa Nghiêm Tông lấy tôn chỉ: “Lìa thế gian, nhập pháp giới” làm tôngvà Pháp Hoa Tông lấy tôn chỉ: “Phế huyền, hiển thật” làm tông cũng có những đặc trưng khác biệt trong tính thống nhất của Phật giáo.
Theo đặc trưng vùng miền, Nghi lễ Phật giáo miền Bắc – Nam và Trung cũng có những đặc điểm gắn với đời sống văn hoá, tín ngưỡng và sinh hoạt của người dân tại các địa phương. “Nói chung là dòng nghi lễ của Phật giáo Việt Nam phát triển từ Bắc đến Trung và vào Nam. Nhưng ở miền Trung có được nét đặc biệt là trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, miền Trung được các Tổ sư ở Trung Hoa sang và họ đã cải cách những nghi lễ ở miền Bắc vốn đang được sử dụng ở miền Trung khiến cho nghi lễ miền Trung mang nét cung đình: còn nghi lễ từ Phú Yên trở vào thì đi vào tính dân gian hơn. Nhưng phải nhìn nhận là nghi lễ của Phật giáo miền Nam phong phú hơn vì được thừa hưởng tất cả những dòng nghi lễ trên và nhờ vào những giọng điệu, âm điệu vốn có của người miền Nam nên đã tạo thành những phong cách riêng rất đa dạng và đặc sắc. Chẳng hạn, mỗi một bài “tán” ở miền Nam đã mang một điệu khác, không còn mang những nét nguyên thủy của Bình Định nữa mà đã theo tiếng nhạc riêng của miền Nam”.
Hiện nay, đứng trước sự đa dạng, phong phú và nhiều màu sắc của nghi lễ Phật giáo Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu hội nhập, giữ gìn bản sắc văn hoá Phật giáo và bản sắc văn hoá dân tộc, Ban Nghi lễ Trung ương từ năm 2021 trong Hội nghị tổng kết của Ban Nghi lễ Trung ương, diễn ra ngày 17-1, tại Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội (thiền viện Quảng Đức, quận 3, TP.HCM), Chư Tôn Đức, Tăng Ni đã có những thảo luận và thống nhất trong thời gian tới sẽ Biên soạn nghi thức phổ thông ba miền tiến đến thống nhất nghi lễ.
Tóm lại, khi bàn về Nghi lễ Phật giáo Việt Nam không phải là một vấn đề đơn giản, bởi tính đa dạng của nghi lễ Phật giáo mang màu sắc từ sơn môn, pháp phái, đến vùng miền, tông phái, thiền phái và hệ phái… Mỗi truyền thống Phật giáo đều có những nét riêng chấm phá trong tổng thể những quy định chung hài hoà, ổn định và dung hợp. Chính vì vậy, với đặc tính “khế lý, khế cơ, tuỳ duyên phương tiện”, dưới ngọn cờ Phật giáo, trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và trực tiếp là sự định hướng dẫn dắt sáng tạo, bản lĩnh, linh động và tài tình của Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tính khác biệt và đặc trưng ấy không phải là cản trở hay hạn chế mà ngược lại, đó là những ưu điểm và thuận lợi để thiết lập một hệ thống nghi thức phổ thông của Phật giáo trên cả ba miền và thống nhất về nghi lễ trên nguyên tắc tôn trọng tính đa dạng, hài hoà, đan xen mà đặc thù. Bản sắc Phật giáo Việt Nam cũng được thể hiện một phần qua bản sắc nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Sự thống nhất trong đa dạng làm nên ưu thế chủ động cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam vượt qua mọi thử thách, đương đầu với những khó khăn, từng bước kiên định theo con đường chính pháp, đồng hành cùng dân tộc và Chủ nghĩa xã hội.
Tài liệu tham khảo
1. Thượng tọa Thích Giác Liêm (2016), Vài nét về Lễ Nghi và Nghi Lễ Phật Giáo, http://phatgiaolongdien.com
2. Thích Chánh Đức (2018), Nghi lễ Phật giáo Việt Nam xưa và nay, http://phatgiaobaclieu.com/
3. Thích Pháp Như (2011), Sự cần thiết của nghi lễ Phật giáo Việt Nam nói riêng và nghi lễ Phật giáo nói chung trong tiến trình truyền bá, giao lưu và tiếp biến, https://www.daophatngaynay.com.
4. Tăng Nguyên (2010), Nghi lễ Phật giáo, https://giacngo.vn.
5. HT Thích Huệ Minh (2022), “Cần có cái nhìn tổng quan hơn về nghi lễ Phật giáo”, Báo Giác Ngộ số 1158, tr.10-12.
6. Thích Điền Tâm (2022), Lễ nghi nhà Phật – Thanh quy Thiền Môn, Nxb Thời đại, Hà Nội.
7. Trương Bội Phong (2012), Nghi lễ Phật giáo, NXB Lao Động, Hà Nội.
8. Vũ Quang Liễn – Vũ Quang Dũng (2016), Nghi lễ Phật giáo liên quan đến vòng đời người, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
Tác giả: Đại đức, TS. Thích Nguyên Toàn; Uỷ viên dự khuyết HĐTSTƯ GHPGVN, Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Ban Tăng sự, Trưởng ban Ban Kinh tế Tài chính GHPGVN tỉnh Hà Giang, Giảng viên sau Đại học Viện Trần Nhân Tông – Đại học Quốc Gia Hà Nội, Giảng viên Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, Trụ trì chùa Thiên Ân – tỉnh Hà Giang.